Bạn thấy nhiều người bán hoặc xem qua các sản phẩm mới của xe đạp có đề cập đến thuật ngữ chuẩn Boost, sườn hỗ trợ Boost hay trục Boost, bài viết này mình sẽ để cập đến thuật ngữ này …
Nhưng trước tiên, mình mong các bạn bớt chút thời gian xem qua video này để hiểu cơ bản về các chuẩn hiện có về thông số liên quan đến trục và bánh trên xe đạp, rồi chúng ta sẽ nói về Boost sau!
À, còn nếu các bạn đã nắm qua những thông số này rồi, thì mình đi thẳng luôn 😀
Trục Boost là gì?
Trục Boost là trục có thiết kế chiều dài trục rộng hơn so với chuẩn trước đó (non-boost). Các nhà sản xuất trục sẽ mở rộng phần đan căm trên trục (hub flanges) và đẩy phần dĩa rộng ra, để hỗ trợ tốt hơn cho các chuẩn bánh có kích thước lớn và tăng sức chịu đựng của vành, làm cho vành cứng cáp hơn. Và đây là thông số của trục Boost:
- Trục trước (Front hub): 110mm x 15mm, hoặc 110mm x 20mm, tăng 10mm so với các loại trục trước thường gặp trước đây (100mm).
- Trục sau (Rear hub): 148mm x 12mm hoặc 141mm x 9mm, tăng 6mm sao với các loại trục sau thường gặp trước đây (142mm – 135mm).
Sườn Boost là sao?
Thì để đi được trục Boost, bạn phải dùng sườn hỗ trợ chuẩn này, tức là càng sau của sườn sẽ rộng ra 1 chút để có thể gắn vừa trục boost (148mm hoặc 141mm). Với sườn hỗ trợ chuẩn Boost, bạn sẽ thấy các dòng chữ như:
- Boost frame
- Support boost
- Rear hub 12x148mm
- Boost 148 …
- Boost 141 QR
Giảm sóc (phuộc) chuẩn Boost
Những dòng giảm xóc có thông số trục là 15×110 hay 20×110 đều là những dòng giảm xóc hỗ trợ trục Boost, nếu như dùng trục boost bạn phải chọn những dòng giảm xóc có thống số này.
Lợi ích mà chuẩn Boost mang lại
- Tăng độ ổn định do chiều dài trục lớn.
- Tăng góc nghiêng của căm, làm cho vành xe khoẻ và cứng cáp hơn.
- Tăng khả năng vận hành, giống như bạn đi trên một tấm ván hẹp, giờ thì tấm ván này rộng ra hơn nên cảm giác đi của bạn nó sẽ vững và tự tin hơn.
- Đối với dòng xe 2 giảm xóc, giúp tăng cường độ cứng và ổn định so với trục hẹp.
- Hỗ trợ kích cỡ bánh to hơn (tyre clearance) giúp mang lại trải nghiệm tốt và những chuẩn nâng cấp mới.
Theo thống kê của các nhà sản xuất thì với bánh xe 29″ sử dụng trục boost, nó có độ cứng tương đương bánh xe 27.5″ hoặc 26″ không dùng boost (non boost).
Trục Boost dành cho ai?
Các dòng xe bánh 29″, hoặc 27.5″, như các bạn đã biết, bánh xe có đường kính càng lớn thì càng dễ bị cong vênh dưới tác động của ngoại lực, hoặc tải nặng, do đó, chuẩn Boost mới sẽ làm tăng góc nghiêng của căm, do đó làm cho bánh xe cứng hơn và khoẻ hơn.
Nếu là bánh 26″ thì có lẽ không cần đến chuẩn boost.
Các chuẩn bánh mới dành cho các dòng xe Enduro hay Trail, dùng bánh 27.5″+, những dòng bánh có kích thước lớn giúp tăng độ bám trên cung đường Off-road, sườn chuẩn boost với khớp sau được mở rộng sẽ giúp bạn đi vừa những dòng bánh có kích thước lớn.
Ngoài ra còn Super Boost nữa …
Hay còn gọi là Plus boost, chuẩn này sử dụng 157mm x 12mm so với 148mm, và mình sẽ nói trong 1 topic khác bạn nhé 😉
Nếu bạn có thắc mắc gì, hãy đăng nhập và để lại comment bên dưới nhé!