Trên thị trường hiện đang tồn tại 2 dạng ngàm (pát, móc) cùi đề (derailleur hanger). Nếu như không để ý chi tiết này hoặc chưa bao giờ phải thay thế bộ phận này, rất có thể bạn sẽ nhầm lẫn khi phải chọn lựa vì tính tương thích của nó với các loại cùi đề. Đây là chi tiết ít được để ý vì thoạt nhìn nó không có nhiều điểm khác biệt.

Vì sao tồn tại 2 thiết kế này?

Phần kết nối sườn với cùi đề tăng giảm xích đã tồn tại từ rất lâu từ khi xe đạp bắt đầu phát triển, các nhà sản xuất khung sườn đã sớm nhận ra rằng cùi đề là bộ phận rất dễ va chạm và hư hỏng trong quá trình vận hành, việc va chạm này kéo theo phần kết nối với sườn cũng sẽ bị cong vênh hoặc thậm chí bị gãy, do đó, họ đã sớm thiết kế bộ phận này tách rời khỏi khung sườn và bộ phận này hoàn toàn có thể thay thế được. Đó chính là ngàm cùi đề, hay còn gọi là ngàm hoặc móc cùi đề – Derailleur hanger.

Ngàm cùi đề tiêu chuẩn (standard)

Các hãng chế tác khung sườn có thể thiết kế bộ phận ngàm cùi đề này khác nhau ở một vài chi tiết như góc cạnh, lỗ bắt ốc, độ cong và hình dạng, nhưng chúng đều có chung mục đích là cầu nối giữ cùi đề và sườn xe đạp.

Vào năm 2012, Shimano giới thiệu công nghệ tối ưu chuyển số trên cùi đề có tên gọi là Shadow RD. Những cùi đề mang công nghệ Shadow RD có các ưu điểm và điểm khác biệt sau:

  1. Trục của ốc cùi đề được đẩy ra phía sau, xa hơn so với trục của cốt líp, việc di chuyển này đòi hỏi 1 ngàm nối dài hơn khoảng 25mm ra phía sau, ngàm nối này được Shimano gọi là B-link.
  2. Phần thân cùi đề được thiết kế mỏng lại để tránh những va chạm khi vận hành.
  3. Việc tháo lắp bánh trở nên dễ hơn với trục cùi đề được đẩy ra phía sau.

Khi đưa ra công nghệ Shadow RD này, tất cả các cùi đề mới của Shimano lúc đó đều được trang bị thêm 1 ngàm kết nối gọi là B-Link. Để tối ưu phần kết nối này, Shimano cũng giới thiệu ngàm cùi đề Direct mount với mục đích loại bỏ B-Link. Vì với B-Link, cùi đề được gắn với sườn thông qua 2 trục, trong khi đó, nếu loại bỏ được B-Link và vẫn tối ưu công nghệ chuyển xích của mình với Shadow RD, thì buộc lòng sườn xe phải sử dụng ngàm cùi đề Direct mount. Và Shimano mong muốn chuẩn mới này sẽ được các hãng sản xuất khung xe sớm áp dụng trên các dòng xe của họ. Nhưng có hãng thì áp dụng có hãng thì không, do đó, Shimano vẫn phải cung cấp tuỳ chọn B-Link trên các sản phẩm cùi đề của mình.

Ngàm Direct mount
Cùi đề Direct mount của Shimano Deore RD-M5120-SGS, kèm theo B-Link

Đó là lý do tồn tại của 2 loại ngàm cùi đề này: ngàm cùi để chuẩn cũ (standard hanger) vs ngàm cùi đề trực tiếp (direct mount). Nếu để ý, bạn sẽ thấy standard hanger sẽ có cấu tạo ngắn hơn so với direct mount.

Cùi đề Shimano XTR, đi với ngàm direct mount (trái) và đi với ngàm standard (phải) với B-Link gắn kèm

Mức độ tương thích

Nói một cách đơn giản: standard hanger + B-Link = direct mount. Dựa theo công thức này bạn mình có thể xem mức độ tương thích trên của cùi đề mình đang đi so với kiểu ngàm cùi đề thích hợp.

  • Cùi đề Direct tương thích với ngàm direct hoặc ngàm standard nếu gắn thêm B-link.
  • Cùi đề Standard chỉ tương thích với ngàm chuẩn standard.

Và thường thì các loại cùi đề Direct của Shimano đều có gắn sẵn B-Link, nên nếu bạn mua cùi đề loại Direct, bạn có thể yên tâm có thể gắn được ngàm standard và cả ngàm direct. Nếu như sử dụng sản phẩm của Shimano, bạn có thể vào website của Shimano để kiểm tra xem mã sản phẩm mình đang dùng là loại cùi đề gì, có tương thích với direct mount hay standard. Thông tin này thể hiện qua phần mô tả của sản phẩm

Direct attachment (Conventional)
Direct mount compatible

Bạn lưu ý, hiện tại, đối với SRAM, họ không ứng dụng chuẩn direct vào bất kỳ dòng sản phẩm nào, do đó, nếu sườn của bạn đang sử dụng ngàm direct mount, và bạn muốn chuyển sang dùng bộ truyền động của SRAM, bạn buộc lòng phải thay thế ngàm direct sang ngàm standard.

Nội dung bài viết có sử dụng hình ảnh từ các website: